Nên cho con chơi với những bé như thế nào ?

Phản hồi từ con trai 19 tuổi: Người lớn lạ thật – Cứ khác giới là nghĩ chuyện sẽ yêu nhau, sẽ bỏ bê học hành.

Khi các nhà thống kê lên tiếng tỷ lệ nạo phá thai tăng cao, tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân không giảm, các bậc cha mẹ giật mình tự hỏi họ đã hiểu biết quan tâm, chia sẻ với con cái đầy đủ?

Lo từ cái ăn, cái chơi, cái học hành, nhưng nhiều lúc các bậc cha mẹ vẫn giật mình tự hỏi: mình đã quan tâm, chia sẻ với con cái đến nơi đến chốn?


Bọn trẻ thời nay

“Chúng tôi vẫn chọn lựa bạn bè cho con trai mình theo tiêu chí “cổ điển”: phải học hành giỏi, con nhà tử tế, không chơi bời lêu lổng. Khi chơi ở chính ngay nhà mình chúng tôi dễ kiểm soát, không ở ngoài đường quá mười giờ đêm…” (ông bà L.T.N, 48 tuổi, Q.3)

Phản hồi từ con trai 18 tuổi: Cha mẹ tôi chọn bạn cho mình – không phải cho tôi – Chán!

“Chúng tôi chỉ lưu ý con mình chơi với bạn tốt tránh xa tệ nạn. Ngoài ra được phép đi chơi dã ngoại, du lịch với nhóm bạn của nó. Chúng tôi không cấm quan hệ bạn bè khác giới, chỉ luôn nhắc nhở không yêu đương quá sớm, hãy chú tâm đến việc học hành, vui chơi lành mạnh”. (ông bà Đ.H.L, 52 tuổi, quận Tân Bình)

Phản hồi từ con trai 19 tuổi: Người lớn lạ thật – Cứ khác giới là nghĩ chuyện sẽ yêu nhau, sẽ bỏ bê học hành.

“Con gái tôi 18 tuổi – đã nghỉ học. Nó chat suốt ngày. Tôi cấm hẹn hò ở chỗ khác ngoài gia đình, bảo nó được phép tiếp bạn tại nhà nó bảo “không được”, ai cũng lớn tuổi hơn nó sợ ba mẹ không đồng ý. Chúng tôi hỏi lớn hơn bao nhiêu, nó không trả lời cho đến khi một “ông già” 45 tuổi lò dò bấm chuông hỏi nhà cô H. (tên con gái chúng tôi). Chúng tôi té ngửa, cấm cửa luôn. Tại sao nó không chọn bạn đồng lứa?

Phản hồi từ con gái 18 tuổi: Chơi với bạn đồng lứa ba mẹ bảo “lũ nhãi ranh”, chơi với người lớn hơn, ba mẹ bảo “sẽ bị lường gạt” thế là sao?

“Nó khăng khăng không có bạn gái, chúng tôi cũng chỉ thấy nó chơi với một lũ bạn trai… Bỗng một hôm, con bé bằng tuổi nó lù lù xuất hiện, nó giới thiệu “bạn gái con!”. Không biết mối quan hệ ấy thế nào, chỉ biết kết quả thi đại học của nó “không ăn ớt mà cay…” khổ không!” (ông bà H.N.T., quận Bình Thạnh).

Phản hồi từ con trai: Tôi thi rớt, tại tôi không phải tại “nó”. Ba mẹ tôi áp đặt tội vào “nó” là không được.

Chiến tranh và hoà bình

Tuổi trẻ hôm nay dường như có khuynh hướng “thoát ly” khỏi những ràng buộc gia đình, nhưng cha mẹ không dễ chấp nhận sự “thoát ly” ấy. Làm bạn với con là xu thế được xem là văn minh, hiểu biết. Nhưng làm bạn thế nào?

Ông bà Đ.H.L được xem là khá tiêu biểu cho khuynh hướng cởi mở với con cái, nhưng rồi ông L. cũng thở dài: “Tôi cho nó dân chủ, cho sự thoải mái trong học và chơi, cho nó tự chọn bạn, cho rất nhiều thứ mà cha mẹ khác chưa chắc đã đồng ý. Nhưng xem lại, hình như chúng tôi vẫn sai. Yêu không xấu, nhưng trong giai đoạn cần tập trung nhất cho việc thi cử nó đã lơ là và rớt là kết quả… tất yếu. Đôi khi tôi nhớ đến cái roi mây của ông cụ tôi, không chừng độc đoán, đòn vọt lại hay”. Nhưng đòn vọt như ông N.- cũng chưa hẳn là hay. Càng cấm con gái có bạn, cấm đi chơi, cấm ra khỏi nhà thì cô con gái 17 tuổi mở cửa sổ cho bạn trai vào. Kết quả – ai cũng biết sẽ ra sao?

Chọn bạn cho con hôm nay vẫn như sóng ngầm hoặc chiến tranh, hoặc hoà bình… Mà giới trẻ dường như đang đi nhanh hơn cha mẹ. Cái nhanh bởi đời sống đương đại, dòng chảy ào ạt của môi trường nhiều cái mới hơn thời cha mẹ sống.

Mà cha mẹ lại thường đi thong dong, chậm rãi…

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông Tin Kinh Doanh